Chỉ số BOD5 là gì ? BOD5 trong xử lý nước thải
Chỉ số BOD5 là lượng oxy cần thiết nhằm đảm bảo điều kiện cho vi sinh vật tiến hành các quá trình oxy hóa sinh học các chất hữu cơ trong 5 ngày trong mức nhiệt 20 độ C. Nói cách khác, BOD5 chính là lượng BOD được đo trong 5 ngày đầu tiên dưới điều kiện buồng tối, tránh hoàn toàn các ảnh hưởng của quá trình quang hợp khi có ánh sáng.
Chỉ số BOD là từ viết tắt của Biochemical oxygen Demand – là nhu cầu oxy sinh hóa, Chỉ số này đại diện cho lượng Oxy tiêu thụ của vi sinh vật trong môi trường hiếu khí khi chúng phân hủy các chất hữu cơ.
Chỉ số COD và BOD5 khác nhau như thế nào
Trong hoá sinh và xử lý nước thải, COD là một chỉ số quan trọng được nhắc đến rất nhiều. Chỉ số COD tức “Chemical Oxygen Demand” có ý nghĩa là nhu cầu oxy hóa học. Nó chính là chỉ số chỉ lượng khí oxy cần thiết để phân huỷ tất cả chất vô cơ và hữu cơ trong nước. Chính vì vậy, chỉ số COD sẽ cao hơn hẳn khi so với chỉ số BOD5.
Mục đích của việc xác định chỉ số BOD5 là gì?
Thông số khoa học này được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau. Phổ biến nhất chính là chỉ ra tác động của nước thải, các chất thải hữu cơ quen thuộc đối với môi trường nước khi không có oxy hoá tan. Tuy nhiên, thời gian 5 ngày thử nghiệm của chỉ số này chỉ chiếm 1 phần trong số tổng nhu cầu oxy hoá mà thôi.
Theo quy ước trong khoa học, thời gian cần thiết cho quá trình oxy hoá hoàn toàn các hợp chất hữu cơ trong nước là 20 ngày. Nhưng xét nghiệm 20 ngày thường không thực tế, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu để giải quyết ngay lập tức các vấn đề trong nước thải. Chính vì vậy mà phương pháp BOD5 là phương án xét nghiệm cho kết quả phù hợp nhất với tình hình thực tiễn.
Đặc trưng của thông số BOD5
Mỗi loại nước thải trong thực tế sẽ có giá trị BOD nhất định, khác biệt. Ngoài ra, chỉ số BOD cũng thể hiện nhiều yếu tố khác trong nước thải như:
- Nồng độ oxy hòa tan trong nước thải DO
- Lượng chất hữu cơ dễ dàng phân huỷ và mật độ vi sinh vật trong nước là bao nhiêu?
Theo quy ước chung, chỉ số BOD sẽ được tính bằng lượng oxy chênh lệch dựa theo mg/lít nước thải là bao nhiêu. Dưới đây là một vài thông số BOD của những loại nước thải thường gặp trong cuộc sống.
- Nước sinh hoạt: Từ 100 – 200 mg/ lít
- Nước chế biến thuỷ hải sản: Từ 2.000 đến 5.000 mg/lít
- Đối với nước thải trong quá trình sản xuất bia BOD5 nằm trong khoảng từ 800 đến 2.000 mg/lít.
- Với nước thải trong sản xuất cao su: 3.000 – 10.000 mg/ lít
Tìm hiểu về cách đo chỉ số BOD5
Các bước cần để đo chỉ số BOD5 của các loại nước thải
- B1: Thu thập một mẫu nước thử vừa đủ từ nguồn nước tương ứng.
- B2: Hòa mẫu thử cùng với một lượng nước đã bão hòa. Cho thêm vào mẫu một lượng xác định vi sinh vật cần thiết.
- B3: Thực hiện đo lượng oxy hòa tan trong nước rồi tiến hành đậy nắp. Mục đích đậy nắp là để ngăn không cho oxy tiếp tục đi vào và hòa tan trong nước thải
- B4: Giữ mẫu thử ở trong bóng tối với nhiệt độ thường là 20 độ C nhằm tránh hiện tượng làm tăng oxy dự kiến ban đầu do quang hợp trong vòng 5 ngày.
- B5: Sau 5 ngày đo lại lượng oxy hòa tan. Chỉ số BOD chính là sự chênh lệch giữa lượng oxy hòa tan ban đầu với lượng oxy đo được sau thí nghiệm.
Ngày nay việc đo BOD được thực hiện bằng phương pháp chai đo BOD Oxitop: Đặt chai trong tủ 20oC trong 5 ngày, BOD được đo tự động khi nhiệt độ đạt đến 20oC. Giá trị BOD được ghi tự động sau mỗi 24 giờ.
Bài Viết Liên Quan: