Công nghệ và công trình xử lý nước thải quy mô nhỏ
Giáo trình công nghệ và công trình xử lý nước thải quy mô nhỏ của Trần Đức Hạ sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức về thoát nước và xử lý nước thải. đặc biệt là chia nhỏ nguồn thải để xử lý. đảm bảo nước sau xử lý không còn ô nhiễm.
Đặc điểm hệ thống thoát nước thải quy mô nhỏ
Hệ thống thoát nước thải phân tán
Đối với nước thải đô thị , dạng thoát nước có thể là tập trung hoặc phân tán. Khi thoát nước tập trung , nước thải từ các tuyến cống cấp 2 ( tuyến cống lưu vực ) đưa về tuyến cống chính ( tuyến cống cấp 1 ), sau đó bơm về trạm xử lý nước thải tập trung . Như vậy nước thải sẽ được dẫn ra khỏi khu vực đô thị , xử lý đến mức độ yêu cầu , sau đó xả ra nguồn nước mặt có khả năng tự làm sạch lớn.
Dạng thoát nước tập trung đảm bảo cho môi trường có độ an toàn cao , ít bị ô nhiễm. Xử lý nước thải (XLNT) tập trung dễ kiểm soát và quản lý. Tuy nhiên việc đầu tư thoát nước thải tập trung rất tốn kém do việc xây dựng tuyến cống chính lớn, dài và sâu, số lượng trạm bơm chuyển bậc nhiều … Mặt khác khi đô thị phát triển không đồng bộ theo không gian và thời gian ,việc xây dựng trạm XLNT tập trung và tuyến cống chính sẽ không phù hợp.
Đầu tư kinh phí lớn ngay từ ban đầu cho các công trình này rất khó khăn. Trong các đô thị lớn do khó khăn và không kinh tế trong việc xây dựng các tuyến cống thoát nước quá dài khi địa hình bằng phẳng và mực nước ngầm cao, người ta thường quy hoạch thoát nước thải thành hệ thống phân tán theo các lưu vực sông, hồ. Do đặc điểm địa hình và sự hình thành các kênh hồ trong các đô thị nước ta, hệ thống thoát nước thường phân ra các lưu vực nhỏ và độc lập .
Thoát nước phân tán sẽ là hình thức phù hợp đối với đa số đô thị nước ta. Các trạm XLNT phân tán thường là loại quy mô nhỏ , công suất từ vài trăm đến vài nghìn m3/ngày hoặc quy mô vừa công suất từ 2.000 đến 10.000 m3/ngày.
Xây dựng các trạm XLNT cho các đô thị nhỏ và cho các lưu vực độc lập của các đô thị lớn, hoặc các trạm XLNT bệnh viện, các công trình công cộng, dịch vụ… quy mô công suất từ 50 đến 500 m3/ngày sẽ tận dụng được các điều kiện tự nhiên cũng như khả năng tự làm sạch của sông, kênh, hồ để chuyển hoá chất bẩn. Mặt khác việc xây dựng này cũng phù hợp với khả năng đầu tư và sự phát triển của đô thị. Sơ đồ nguyên tắc thoát nước và XLNT phân tán được nêu trên hình bên dưới .
Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép được xả vào các cống thoát nước chung hoặc các sông, mương, hồ trong khu vực. Trong nhiều trường hợp mức độ XLNT của hệ thống thoát nước phân tán yêu cầu không cao do tận dụng được khả năng tự làm sạch của các sông hồ .
Tổng giá thành đầu tư cho hệ thống thoát nước thải phân tán giảm xuống do không phải xây dựng các tuyến cống thoát nước thải tập trung. Các công trình của trạm XLNT phân tán thường được bố trí hợp khối, dễ vận hành và quản lý .
Nhược điểm chính của hệ thống nước thải phân tán là dễ làm mất cảnh quan do việc xây dựng trạm xử lý nước thải bên trong đô thị. Nếu thiết kế thi công và vận hành trạm xử lý không đúng các yêu cầu kỹ thuật, nước thải có thể gây mùi hôi thối , ảnh đến môi trường khu dân cư và đô thị xung quanh.
Mặt khác nếu hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng như N và P trong nước thải sau xử lý còn cao, trong điều kiện quang hợp tốt, các sông hồ đô thị tiếp nhận nước thải có thể bị phú dưỡng (eutrophication) và dẫn đến nhiễm bẩn thứ cấp.
Hệ thống thoát nước thải cục bộ
Trong trường hợp các đối tượng thoát nước ( cụm dân cư, công trình công cộng, dịch vụ, nhà ở…) nằm ở vị trí riêng rẽ, độc lập hoặc cách xa hệ thống thoát nước tập trung, người ta thường tổ chức hệ thống thoát nước thải cục bộ kết hợp xử lý tại chỗ. Hệ thống thoát nước thải cục bộ có thể có đường cống hoặc không có đường cống. Nước thải sau khi xử lý đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, được cho thấm vào đất , thải trực tiếp vào sông hồ lân cận hoặc sử dụng để tưới cây, nuôi cá…
Trong một số trường hợp ,trước khi xả vào các đường cống thoát nước tập trung, các loại nước thải có chứa vi khuẩn gây bệnh dịch hoặc chất bẩn đặc biệt ( nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp…) phải được khử trùng hoặc khử độc trong các công trình xử lý cục bộ, đảm bảo điều kiện không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thống thoát nước đô thị và sức khỏe của con người khi tiếp xúc với nó.
Như vậy, các trạm XLNT cục bộ thường được xây dựng đối với các trường hợp sau:
1.Các thị trấn, thị tứ có quy mô dân số dưới 50.000 người .
2.Các cụm dân cư, khu nhà ở, ngôi nhà hoặc công trình công cộng, dịch vụ nằm riêng rẽ, cách xa hệ thống thoát nước tập trung .
3.Các công trình công cộng, dịch vụ có yêu cầu xử lý đặc biệt như bệnh viện, bể bơi …
Các trạm XLNT cục bộ thường có công suất từ vài chục đến vài dăm nghìn m3 trong một ngày.
Tải giáo trình Công nghệ và công trình xử lý nước thải quy mô nhỏ
Bài Viết Liên Quan: