Nghị định 54 2024 Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất
NGHỊ ĐỊNH 54
Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
_______________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết khoản 3 Điều 31, Điều 52, khoản 5 Điều 53, khoản 6 Điều 69 và Điều 70 của Luật Tài nguyên nước về việc cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; việc nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; dịch vụ về tài nguyên nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 của Nghị định này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương II KÊ KHAI, ĐĂNG KÝ, CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Mục 1
LẤY Ý KIẾN ĐẠI DIỆN CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN VÀ CÔNG KHAI THÔNG TIN
Điều 3. Lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước
Đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước theo quy định tại khoản 8 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: trưởng thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ trưởng tổ dân phố và điểm dân cư tương tự hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra,
Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác nước của dự án. Việc lấy ý kiến được thực hiện như sau:
1. Các dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 8 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:
a) Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối, kênh, mương, rạch;
b) Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch khác quy định tại điểm a khoản này với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;
c) Công trình khai thác nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có quy mô khai thác từ 10 m3/giây trở lên cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên cho mục đích sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình;
d) Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô khai thác nước từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.
2. Thời điểm lấy ý kiến:
a) Trước khi xây dựng công trình và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước mặt đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Trong quá trình thăm dò đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có thể kết hợp lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan về tác động của công trình khai thác nước cùng với việc lấy ý kiến tham vấn đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng thời điểm, nội dung lấy ý kiến phải đảm bảo theo quy định tại Điều này.
3. Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến bao gồm:
a) Thông tin tổng thể của dự án; kế hoạch, tiến độ triển khai dự án kèm theo văn bản, tài liệu pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng dự án, thời gian dự kiến vận hành khai thác nước;
b) Thuyết minh phương án khai thác tài nguyên nước của dự án, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này;
c) Dự kiến tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động của việc vận hành khai thác của công trình đến nguồn nước, môi trường, các đối tượng khai thác, sử dụng nước và đối tượng khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình;
d) Các số liệu, tài liệu khác liên quan đến việc khai thác nước.
4. Cơ quan tổ chức lấy ý kiến:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến xây dựng công trình khai thác nguồn nước mặt liên tỉnh, liên quốc gia, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác nguồn nước mặt liên tỉnh, liên quốc gia quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến xây dựng công trình khai thác nguồn nước mặt nội tỉnh, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác nguồn nước mặt nội tỉnh quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
5. Trình tự lấy ý kiến:
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án gửi các tài liệu, nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong thời hạn 42 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đầu tư dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các buổi làm việc,
cuộc họp, đối thoại trực tiếp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về những nội dung quy định tại khoản 3 Điều này; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cho tổ chức, cá nhân đầu tư dự án;
c) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 56 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đầu tư dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp,
đối thoại trực tiếp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về những nội dung quy định tại khoản 3 Điều này; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cho tổ chức, cá nhân đầu tư dự án;
d) Ngoài các nội dung thông tin phải cung cấp theo quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có trách nhiệm cung cấp bổ sung các số liệu, báo cáo, thông tin về dự án nếu các cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này có yêu cầu và trực tiếp báo cáo, thuyết minh, giải trình tại các cuộc họp lấy ý kiến để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án.
6. Căn cứ mức độ ảnh hưởng của dự án, cơ quan tổ chức lấy ý kiến quy định tại khoản 4 Điều này xem xét, quyết định các đối tượng lấy ý kiến tác động cho phù hợp.
7. Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Hồ sơ lấy ý kiến và văn bản tổng hợp tiếp thu, giải trình được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước.
8. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến do tổ chức, cá nhân đầu tư dự án chi trả theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước.
Điều 4. Công khai thông tin
Việc công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác tài nguyên nước quy định tại điểm b khoản 8 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện như sau:
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này phải công bố, công khai các thông tin sau đây:
a) Đối với công trình khai thác nước mặt quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 của Nghị định này: mục đích khai thác nước; nguồn nước khai thác; vị trí công trình khai thác nước; chế độ, phương thức khai thác nước; lượng nước khai thác; các thông số cơ bản của công trình; kế hoạch thực hiện và thời gian dự kiến vận hành khai thác nước;
b) Đối với công trình khai thác nước dưới đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Nghị định này: mục đích khai thác nước; vị trí công trình khai thác nước; tầng chứa nước, độ sâu khai thác; tổng số giếng khai thác; tổng lượng nước khai thác; chế độ khai thác; kế hoạch thực hiện và thời gian dự kiến vận hành khai thác nước.
2. Việc công khai thông tin được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông tin quy định tại khoản 1 Điều này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công trình khai thác nước dưới đất, công trình khai thác nguồn nước mặt nội tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công trình khai thác nguồn nước mặt liên tỉnh, liên quốc gia;
b) Chậm nhất 60 ngày trước khi khởi công và trong suốt quá trình xây dựng công trình, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án phải niêm yết công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều này tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và tại địa điểm nơi xây dựng công trình
Tải toàn văn Nghị định 54 2024 Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất
54_2024_ND-CP_16052024_2-signed
Xem thêm:
Nghị định 53:2024 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Thông tư 03 2024 BTNMT Quy đinh về luật tài nguyên nước
Bài Viết Liên Quan: