Quản lý môi trường ao nuôi tôm

Quản lý môi trường ao nuôi tôm

Quản lý môi trường ao nuôi tôm

Môi trường ao nuôi tôm đòi hỏi rất cao về nguồn nước cũng như vi sinh vật có trong nước, các chỉ số như pH, nhiệt độ, màu của nước, lượng oxy… sẽ là các yếu tố quyết định nước trong ao nuôi tôm có tốt hay không.

Cùng Môi Trường Green Star tìm hiểu về các thông số cần quản lý trong ao nuôi tôm nhé.

Quản lý pH ao nuôi tôm

pH là yếu tố dễ biến động, nhất là sau những cơn mưa lớn, sự biến động đột ngột của pH có thể làm tôm giảm sức đề kháng. Vì vậy, nên kiểm tra pH nhiều lần trong ngày để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị.

Nếu pH thấp, người nuôi sử dụng vôi bột liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 nước ao tùy giá trị pH đo được. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao rửa xuống ao khi mưa làm giảm pH và đục nước, người nuôi nên sử dụng vôi CaO rải đều trên bờ ao. Vôi sẽ giúp trung hòa axit, tránh giảm pH đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa.

Quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm

Ban đêm thường nhiệt độ nước ao thấp hơn ban ngày. Nhiệt độ thấp làm H2S độc hơn với tôm. Khi nhiệt độ giảm, tôm yếu có xu thế chuyển vào vùng bùn, tiếp xúc với khí độc và vi khuẩn gây bệnh. Tôm phản ứng với nhiệt độ thấp sẽ hoạt động ít hơn. Khi nhiệt độ giảm 1oC trao đổi chất của tôm sẽ giảm khoảng 10%.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ, người nuôi phải chạy sục khí để ngăn sự phân tầng nhiệt trong ao và giữ đáy ao sạch có ít chất hữu cơ bằng chế độ cho ăn hợp lý. Tránh cho tôm ăn ban đêm vì tôm sử dụng thức ăn không tốt khi nhiệt độ thấp.

Quản lý hàm lượng ôxi hòa tan ao nuôi tôm

cung cấp oxi cho ao nuôi tôm
cung cấp oxi cho ao nuôi tôm

Hàm lượng ôxy hòa tan lớn nhất là vào buổi chiều và thấp nhất vào buổi sáng sớm do quá trình quang hợp và hô hấp. Vào ban ngày, hàm lượng ôxy lớn nhất là ở gần mặt nước do cường độ ánh sáng và nhiệt độ giảm dần theo độ sâu.

Theo dõi hàm lượng ôxy hòa tan là yếu tố quan trọng nhất trong các ao nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh vì tôm thường nuôi với mật độ cao, nhiều chất độc hại. Với các ao nuôi thâm canh, khoảng 2 – 3 giờ cần đo hàm lượng ôxy hòa tan một lần vào ban đêm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Quản lý độ mặn ao nuôi tôm

Mỗi loại tôm có yêu cầu về độ mặn khác nhau và thay đổi tùy theo từng thời điểm trong quá trình sinh trưởng. Độ mặn tốt nhất cho tôm sú là 15 – 20‰ và TTCT là 10 – 25‰, biến động trong ngày không quá  5‰.

Độ mặn là yếu tố thay đổi từ từ, do đó chỉ cần đo độ mặn từ 1 – 2 lần trong một tuần trừ khi nguồn nước bị ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Quản lý độ kiềm ao nuôi tôm

Độ kiềm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm. Trong quá trình nuôi thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp đặc biệt đối với vùng nuôi có độ mặn thấp. Độ kiềm thích hợp cho tôm sú khoảng 80 – 140 mg/l và 120 – 150 mg/l đối với TTCT. Nếu độ kiềm thấp nên sử dụng sản phẩm khoáng chất có thành phần chính là CaCO3 với liều 20 – 30 kg/1.000 m3. Do đó, việc quản lý độ kiềm ao nuôi tôm đóng vai trò rất quan trọng.

Quản lý mực nước ao nuôi tôm

Cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3 m đối với ao nuôi tôm sú và 1,5 m đối với ao nuôi TTCT. Ngoài ra, cần tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt để tránh hiện tượng phân tầng trong ao, từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời