Mục lục bài viết
Trạm xử lý nước thải công ty RK Resources
Nước thải công ty RK Resources bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải nhà ăn và nước thải từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi, nước thải buồng phun sơn. các loại nước thải này sau khi được xử lý sơ bộ sẽ được dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung của công ty.
Xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt
Bể tự hoại 3 ngăn xử lý gồm ngăn chứa nước vào, ngăn lắng và ngăn lọc có hai chức năng chính là lắng cặn và phân hủy cặn lắng. Thời gian lưu nước trong bể từ 1- 3 ngày thì có khoảng 95% chất rắn lơ lửng sẽ lắng xuống đáy bể. Cặn được giữ lại trong đáy bể từ 3 – 6 tháng, dưới ảnh hưởng của hệ vi sinh vật kỵ khí, các chất hữu cơ bị phân hủy một phần, một phần tạo ra các chất khí và một phần tạo thành các chất vô cơ hoà tan.
Quá trình lên men chủ yếu diễn ra trong giai đoạn đầu là lên men axit, các chất khí tạo ra trong quá trình phân giải CH4, CO2, H2S, .. Cặn trong bể tự hoại được lấy ra định kỳ, mỗi lần lấy phải để lại khoảng 20% lượng cặn đã lên men lại trong bể để làm giống men cho bùn cặn tươi mới lắng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân hủy cặn.
Nước thải được lưu trong bể một thời gian dài để đảm bảo hiệu suất lắng cao rồi mới chuyển qua ngăn lọc và thoát ra ngoài đường ống dẫn. Mỗi bể tự hoại đều có ống thông hơi để giải phóng khí từ quá trình phân hủy. Phần cặn được lưu lại phân huỷ kỵ khí trong bể, phần nước sau xử lý đạt giới hạn tiếp nhận của KCN Bàu Bàng trước khi đấu nối về hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ngoài ra, một số biện pháp sau đây sẽ được thực hiện:
Tránh không để rơi vãi xăng dầu, xà phòng,… xuống bể tự hoại. Các chất này làm thay đổi môi trường sống của các vi sinh vật, làm giảm hiệu quả xử lý của bể tự hoại. Biện pháp này sẽ giúp giảm bớt nồng độ các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng trong nước thải.
Lượng bùn dư sau thời gian lưu thích hợp sẽ thuê xe hút chuyên dùng (loại xe hút hầm cầu), đây là một giải pháp đơn giản, dễ quản lý nhưng hiệu quả xử lý tương đối cao.
Xử lý sơ bộ nước thải nhà ăn
Nước thải từ nhà ăn sẽ được loại bỏ một phần các cặn rác, thực phẩm thừa bằng lưới chắn rác tại khu vực chế biến và tự chảy về bể tách dầu mỡ đồng thời là bể thu gom nước thải nhà ăn. Nguyên lý hoạt động của bể được mô tả trong hình sau:
bể tách mỡ nước thải sinh hoạt
Nguyên lý hoạt động của bể tách dầu:
Giai đoạn 1: Đầu tiên phần nước thải có chứa dầu mỡ dư thừa được đổ trực tiếp vào giỏ lọc tại ngăn thứ nhất là ngăn chứa. Nước thải tràn vào ngăn thứ nhất thông qua sọt rác được thiết kế bên trong làm nhiệm vụ giữ lại các chất bẩn như các loại thực phẩm, thức ăn thừa, xương hay các tạp chất khác có kích thước lớn gây tắc nghẽn đường ống. Chức năng này giúp bể có thể hoạt động ổn định, không bị nghẹt do rác.
Giai đoạn 2: Sau khi lọc rác thải xong, nước sẽ chảy sang ngăn thứ hai và lưu lại trong một khoảng thời gian. Bể sẽ được thiết kế với kích thước đủ lớn để đảm bảo thời gian lưu nước, để dầu mỡ có thể nổi lên trên mặt nước. Công đoạn tách mỡ ra khỏi nước được thực hiện bởi bể được được thiết kế một vách ngăn hướng dòng tạo điều kiện để mỡ và nước phân tách riêng biệt.
Giai đoạn 3: Nước thải ở ngăn 2 tràn vào ngăn 3. Phần nước trong sau xử lý đi xuống đáy bể và được bơm ra ngoài theo đường ống dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty để xử lý. Dầu thải được thu gom từ van xả và chứa trong các thùng chứa dầu, lưu trữ trong nhà kho xử lý theo quy định
Bể tách dầu hiện hữu đang được áp dụng hiệu quả, vì vậy Công ty sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ xử lý nước thải nhà ăn hiện tại. Nhằm tách bỏ lượng dầu mỡ khó phân hủy, ngăn chặn dầu mỡ thừa dính bám gây tắc đường ống hoặc dầu mỡ thải bỏ trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường.
Nước thải từ nhà ăn sau khi qua bể tách dầu sẽ được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt quy chuẩn trước khi đấu nối vào KCN Bàu Bàng
Nước thải sản xuất
Nước thải buồng phun sơn màng nước các bạn tham khảo tại đây nước thải buồng phun sơn
Nước thải từ lò hơi
Nước thải từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi có nồng độ các chất lơ lửng cao, và nhiệt độ cao. Để đảm bảo nước thải từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi không ảnh hưởng đến hệ thống xử lý nước thải của công ty thì nước thải phát sinh từ nguồn này cần được xử lý sơ bộ trước khi dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý hoá lý có kích thước 3000 x 1200 x 1200 mm, với quy trình công nghệ như sau
Nước thải từ HTXL khí thải lò hơi => Bể keo tụ – tạo bông => Bể lắng hóa lý => Hệ thống xử lý nước thải tập trung
Thuyết minh quy trình xử lý nước thải lò hơi:
Nước thải từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi, nước thải xả đáy lò hơi được dẫn về bể keo tụ tạo bông, nước thải này có hàm lượng vô cơ và chất rắn lơ lửng. Để loại bỏ chất ô nhiễm loại này cần sử dụng phương pháp keo tụ – tạo bông.
Tại bể keo tụ – tạo bông, hóa chất bao gồm NaOH, PAC và Polymer được châm vào bồn cùng với sự hoạt động của các cánh khuấy nhằm điều chỉnh pH của nước cho phù hợp để quá trình keo tụ tạo bông có hiệu quả hơn, chất keo tụ là PAC mất ổn định trong nước tương tác với nhau, kết cụm lại hình thành các bông cặn lớn.
Quá trình keo tụ – tạo bông làm giảm hàm lượng cặn lơ lửng trong nước thải lò hơi.
Nước thải sau keo tụ – tạo bông sẽ chảy tràn sang bể lắng hóa lý và được lưu ở trong bồn với thời gian thích hợp nhằm loại bỏ cặn ra khỏi nước thải.
Nước thải sau khi qua bồn lắng hóa lý sẽ được dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy để tiếp tục xử lý. Bùn phát sinh từ bồn lắng hóa lý sẽ được đưa về bể chứa bùn sau đó hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Hiệu suất xử lý nước thải lò hơi
Hiệu suất xử lý tính theo SS đạt khoảng 50 – 70%.
Hiệu suất xử lý tính theo BOD đạt khoảng 25 – 40%.
Trạm xử lý nước thải tập trung
Trạm xử lý nước thải công ty RK Resources
Thuyết minh công nghệ:
Nước thải từ nhà vệ sinh sau khi được xử lý qua bể tự hoại 3 ngăn, nước thải sau xử lý sơ bộ từ: buồng phun sơn màng nước; hệ thống xử lý khí thải lò hơi theo đường ống thu gom nước thải riêng rẽ được đưa về hố thu gom nước thải. Nước thải từ nhà ăn được xử lý qua bể tách dầu theo đường ống thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của dự án.
Nước thải từ hố thu gom được bơm lên bể điều hòa bằng máy bơm chuyên dụng. Tại bể điều hòa sẽ diễn ra quá trình khuấy trộn để điều hòa nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải.
Nước thải từ các bể tự hoại và nước thải từ các nguồn khác như rửa tay, nhà ăn, nước thải sơn sau xử lý, nước thải lò hơi.…được thu gom tập trung ở các hồ ga bên ngoài sau đó được dẫn về hệ thống xử lý nước thải chung của nhà máy.
Đầu tiên nước thải sẽ chạy qua các song chắn rác và bể tách mỡ, tại đây nước thải sẽ được chảy qua một song chăn rác có kích thước mắc lưới 5mm, nhằm loại bỏ rác thải có kích thước từ 5mm như: Bao nilon, giấy báo, lá cây, các mảnh vụn khác,…sẽ được giữ lại và tách ra khỏi nước thải, rác thải sẽ được chứa trong thùng rác riêng biệt để đem đi xử lý.
Nước thải chảy qua bể tách dầu mỡ nhằm loại bỏ dầu mỡ từ nhà ăn và các chất hoạt động bề mặt để tránh ảnh hưởng đến quá trình xử lý sinh học ở phía sau. Sau đó, nước thải sẽ chảy qua bể điều hòa để điều hòa lưu lượng và nồng độ trước khi đi xử lý tiếp theo.
Từ bể điều hòa nước thải sẽ được bơm lên bể vi sinh dính bám hiếu khí (MBBR). Bể xử lý hiếu khí là một công trình đơn vị quyết định hiệu quả xử lý của hệ thống vì phần lớn những chất gây ô nhiêm trong nước thải là những chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học, các vi khuẩn hiện diện trong nước thải tồn tại ở dạng lơ lửng dính bám, các vi sinh hiếu khí sẽ tiếp nhận oxy và chuyển hóa các chất hữu cơ thành thức ăn.
Ngoài ra trong môi trường hiếu khí, vi sinh vật tiêu thụ các chất hữu cơ thành thức ăn, vi sinh vật tiêu thụ các chất hữu cơ để phát triển tăng sinh khối và làm giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải xuống mức thấp nhất. Trong bể MBBR vi sinh vật bám dính trên lớp vật liệu tiếp xúc và tạo thành những lớp vi sinh vật và khi đó chúng sẽ phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải để tạo ra các sản phẩm như: CO2, H2O,…không khí được cung cấp liên tục vào trong bể cho vi sinh vật tồn tại và phát triển.
Tế bào vi sinh + Chất hữu cơ + CO2 → Tế bào mới+ CO2 + H2O
Từ phản ứng trên cho thấy vi sinh vật đã chuyển hóa nước thải có chứa chất ô nhiễm thành các chất không gây ô nhiễm, cùng với sự phát triển của vi sinh vật, các lớp vi sinh vật ngày càng dày đặc. Khi đó lớp vi sinh vật già sẽ bị chết và chảy theo nước thải sang bể lắng, lớp vi sinh vật mới sẽ được tạo thành thay thế cho lớp vi sinh vật cũ.
Nước thải sau bể MBBR sẽ tiếp tục được xử lý giai đoạn 2 trong ngăn sinh học sau cùng. Trong các ngăn này giá thể vi sinh bám cố định Biofilm được lắp đặt thành khối dày tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và phân hủy các hợp chất hữu cơ trong nước thải.
Phần nước thải sau ngăn sinh học FBR sẽ chảy sang bể lắng để loại bỏ bùn hoạt tính và xác sinh vật trong nước thải, sau đó chảy qua bể khử trùng bằng chlorine để loại bỏ các sinh vật gây hại trong nước thải trước khi qua cột lọc áp lực và đấu nối với hệ thống thu gom nước thải của KCN Bàu Bàng.
Bùn từ bể lắng sẽ được bơm về bể chứa bùn để được phân hủy tiếp tục nhằm giảm thể tích bùn và được hợp đồng với đơn vị thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Ưu điểm của công nghệ MBBR/FBR sử dụng giá thể Bio – Chip là có thể nâng cấp, tăng lưu lượng xử lý lên đến 130% mà vẫn không cần thay đổi kích thước của bể xử lý, mà chỉ cần tăng mật độ Biochip trong bể là đủ. Theo lý thuyết, khi ứng dụng loại giá thể Bio chip có thể nâng công suất xử lý lên đến 150%.
Theo kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý của hệ thống cho thấy tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn đầu nối vào hệ thống thu gom theo hợp đồng với KCN Bàu Bàng đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B
Bài Viết Liên Quan: