ĐTM đánh giá tác động môi trường Rạch Xuyên Tâm

đánh giá tác động môi trường rạch xuyên tâm

DTM đánh giá tác động môi trường Rạch Xuyên Tâm

Hiện trạng chất lượng môi trường và đa dạng sinh học khu vực thực hiện dự án

Dữ liệu về hiện trạng các thành phần môi trường

1. Chất lượng nước mặt

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP Hồ Chi Minh 2021 (Sở Tài nguyên và môi trường), Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt lục địa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh năm 2021 có những điểm đáng lưu ý như sau:

– Các chỉ tiêu độ pH, nồng độ oxy sinh học và hàm lượng phosphate tại các điểm quan trắc đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08- MT:2015/BTNMT).

– Nồng độ oxy hóa học tại 44% các điểm quan trắc (Hóa An, Hòa Phú, Ba Son, Cát Lái, Kênh Xáng, Cây Khô và Thầy Cai) không đạt quy chuẩn Việt Nam đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

– Hàm lượng chất rắn lơ lửng tại 50% các điểm quan trắc (Hóa An, Hòa Phú, Phú Mỹ, Phú Xuân, Cần Giuộc, Thầy Cai và Hiệp Phước) không đạt quy chuẩn Việt Nam đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

– Hàm lượng clorua tại 50% các điểm quan trắc (Ba Son, Tân Thuận, Phú Mỹ, Phú Xuân, Cát Lái, Cần Giuộc, Cây Khô và Hiệp Phước) không đạt quy chuẩn Việt Nam đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

– Hàm lượng amoni tại 69% các điểm quan trắc (Hòa Phú, Rạch Tra, Bình Phước, Vàm Thuật, Ba Son, Tân Thuận, Phú Xuân, Cần Giuộc, Kênh Xáng, Cây Khô và Thầy Cai) không đạt quy chuẩn Việt Nam đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08- MT:2015/BTNMT) .

2. Chất lượng nước dưới đất

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP Hồ Chi Minh 2021, chất lượng nước dưới đất tại tầng Pleistocen có các dấu hiệu ô nhiễm về NH4+, Fe, Coliform;

Tại tầng Pliocen trên có các dấu hiệu ô nhiễm về pH, NH4+, Fe, Coliform, Mn;

Tại tầng Pliocen dưới có các dấu hiệu ô nhiễm về pH, NH4+, Fe, Coliform, Mn.

ĐTM đánh giá tác động môi trường Rạch Xuyên Tâm
ĐTM đánh giá tác động môi trường Rạch Xuyên Tâm

3. Chất lượng không khí

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP Hồ Chi Minh 2021, nhìn chung chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố đã cải thiện, các chỉ tiêu CO, NO2 đều nằm trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm so với năm trước; chỉ tiêu SO2 tuy đạt so với tiêu chuẩn cho phép nhưng có xu hướng tăng so với năm trước.

Chỉ tiêu Benzen có 2 vị trí tại công trường Quách Thị Trang và ngã tư Thủ Đức là vượt quy chuẩn. Nồng độ trung bình giờ của Bụi từ năm 2020 đến năm 2021 chất lượng không khí dao động trong khoảng 84,0 μg /m3 – 680,0 μg /m3, Nồng độ trung bình giờ của bụi PM10 từ năm 2020 đến năm 2021 chất lượng không khí dao động trong khoảng 11,0 μg/m3 – 100,0 μg/m3 đều đạt quy chuẩn (QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh)

Các vấn đề môi trường khác:

Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với các loại ô nhiễm khác như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng,…

Về ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn thành phố, theo thống kê thì tại 150 điểm của 30 tuyến đường tại trung tâm thành phố, tiếng ồn ở mọi lúc mọi nơi đều vượt mức cho phép.

Theo kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa qua cũng cho thấy, tất cả số lần đo ở 6 trạm quan trắc đều cho kết quả tiếng ồn đạt tới 85 decibels (dBA), trong đó ngưỡng vượt tiếng ồn cho phép cao nhất là 75 dBA. Điểm có mức độ ồn cao nhất hiện nay là ngã tư An Sương, do lượng xe tải, xe cơ giới qua lại đông gây cộng hưởng tiếng ồn quá lớn 4.

Chất lượng đất

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP Hồ Chi Minh 2021, Kết quả phân tích các mẫu quan trắc cho thấy chất lượng thành phần môi trường đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chưa bị ô nhiễm bởi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đất thuộc nhóm trung bình đến giàu hữu cơ, nghèo lân và kali tổng số.

Xét về độ pH giá trị trung bình là 5,64 nằm trong giới hạn đất phù sa theo tiêu chuẩn 7377:2004/BKHCN. Đối với hàm lượng Các bon hữu cơ có 18/21 mẫu đạt ngưỡng cho phép của TCVN. Có 19/39 mẫu đạt nằm trong ngưỡng cho phép của TCVN về chỉ tiêu Đạm tổng số.

Có 20/39 mẫu đạt nằm trong ngưỡng cho phép của TCVN về chỉ tiêu Tổng P… Đất chưa có dấu hiệu ô nhiễm phèn và mặn.

Hiện trạng chất lượng môi trường

Để đánh giá đầy đủ các tác động do hoạt động dự án trong thời gian xây dựng về điều kiện môi trường của khu vực ảnh hưởng trong vùng dự án, dự án đã tiến hành đánh giá chất lượng môi trường xung quanh trước khi khởi công bao gồm chất lượng môi trường không khí, nước mặt, trầm tích và chất lượng đất. Thời gian lấy mẫu là từ 26/6- 8/7/2023

Vị trí lấy mẫu không khí, nước mặt, mẫu trầm tích/đất được lựa chọn gần khu vực thực hiện dự án. Đơn vị thực hiện quan trắc là Công ty TNHH TMDV – Công nghệ môi trường Khải Thịnh (Đủ điều kiện thực hiện lấy mẫu quan trắc, phân tích theo Chứng nhận Vimcerts 217 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tại Quyết định số 2641/QĐ- BTNMT ngày 24/11/2020 về chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm và đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường).

Các phương pháp đo đạc, lấy mẫu ngoài hiện trường, bảo quản, vận chuyển, xử lý và phân tích mẫu trong Phòng thí nghiệm được thực hiện theo các quy định của các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.

Hiện trạng đa dạng sinh học

a. Các khu bảo tồn

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không có các khu bảo tồn hay vườn quốc gia. Vườn quốc gia gần nhất cách Hồ Chí Minh 100-150km là vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, vườn quốc gia Tràm Chim. Khu vực Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) cũng cách khu vực dự án khoảng 60km. Dự án không có các tác động đến các khu vực này.

b. Đa dạng sinh học trong khu vực ảnh hưởng của dự án

Theo khảo sát thực địa, Tuyến rạch Xuyên Tâm được kết nối với sông Vàm Thuật, sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, là tuyến rạch đi qua khu vực nội thị là khu vực có dân cư đông đúc, tập trung đông dọc theo tuyến. Do vậy hệ sinh thái ở đây bị tác động nhiều bởi các hoạt động của con người, chủ yếu là hệ sinh thái đô thị, nông nghiệp.

Hệ sinh thái nông nghiệp: Tuyến rạch đi qua một phần nhỏ diện tích đất nông nghiệp của người dân với cây trồng là hoa màu. Động vật chủ yếu là các loài chuột bọ, ếch nhái…. Không có loài đặc hữu hay loài quý hiếm cần bảo vệ

Hệ sinh thái đô thị: Đây là khu vực tập trung đông dân cư, người dân thực hiện các hoạt động xây dựng lấn chiếm lòng rạch.

Hệ thực vật chủ yếu: Hệ sinh thái nhà, khu dân cư nằm trong khu vực bao gồm các loại cây trồng trên đường phố, vườn nhà, trường học, trạm y tế và các cơ quan… Cây bóng mát như bàng, phượng, bằng lăng, bàng đài loan… Các loài cây trồng tại gia đình chủ yếu là cây cảnh do diện tích của mỗi hộ gia đình không nhiều. Dọc tuyến rạch, thực vật chủ yếu là các cây trồng rải rác như dừa, chuối, bàng, hoa giấy… Ngoài ra có các cây dây leo, bèo, cây bụi…

Hệ động vật cạn ở khu vực khá nghèo nàn, điều này dễ hiểu bởi khu vực dự án là nơi tập trung dân cư từ lâu đời. Động vật hoang dã chỉ gồm: một số loài chim, bò sát (rắn, thằn lằn…), lưỡng cư (ếch, nhái, cóc…), động vật có vú (chuột..) và các loài côn trùng. Tại các hộ gia đình thì chủ yếu là các loài vật nuôi như chim cảnh, cá cảnh, các loài chó mèo, gà, vịt… Động vật tự nhiên có các loài bò sát như thạch sùng, ếch, nhái và chuột.

Hệ sinh thái thủy sinh:

Hiện tại khu vực dự án chưa có nghiên cứu đặc điểm về tài nguyên sinh vật, những thông tin về hệ sinh thái khu vực dự án được sử dụng từ dữ liệu tham khảo như các báo cáo ĐTM đã được thực hiện trên địa bàn. Một số thông tin khái quát về hệ sinh thái thủy sinh trên các kênh rạch được tổng hợp như sau:

Thực vật phiêu sinh: Có khoảng 174 loài thực vật phiêu sinh trong đó các loài tảo lam Oscillatoria acuta, O. geitleriana, O. subbrevis, Arthrospira Jenner; tảo Silic Melosira granulate, Fragillaria capucina, Actinella guianensis, Epithemia turgida; tảo lục Gonatozygon kinahani, Closterium macilentum, Enteromorpha tubulosa, tảo mắt Euglena acus phân bố ở hầu hết trên kênh rạch.

Các loài này chỉ thị cho môi trường bị nhiễm bẩn và chịu ảnh hưởng nước acid.

Số lượng thực vật phiêu sinh từ 148.300-12.390.000 tb/m3. Khu vực cầu An Lộc – Cửa Vàm Thuật số lượng thấp từ 198.300 – 1.033.300 tb/m3, loài tảo silic chỉ thị cho môi trường giàu dinh dưỡng Melosira granulate chiếm ưu thế. Khu vực kênh Tham Lương đến cầu Bến Phân số lượng thực vật phiêu sinh cao hơn vùng trên từ 408.300 – 7.725.000 tb/m3, các loài tảo lam chỉ thị cho môi trường nhiễm bẩn chất hữu cơ Oscillatoria subbrevis, Ogeitleirianan chiếm ưu thế.

Từ đó có thể thấy rằng kênh rạch đã có dấu hiệu nhiễm bẩn. Động vật phù du: Có khoảng 38 loài động vật phiêu sinh tại khu vực kênh rạch Thành phố Hồ Chí Minh thuộc các nhóm Protozoa, Rotatoria, Phyllopoda, Cladocera, Copepoda, Ostracoda, Oligochaeta, Larva.

Trong đó nhóm Rotatoria chiếm ưu thế với 18 loài. Loài cửa sông Schmackeria bullbosa phân bố ở rạch Nước Lên và nơi hợp lưu của rạch Bến Cát và sông Vàm Thuật. Loài chỉ thị cho nước lợ nhạt Limnoithona sinensis phân bố tới cầu Bà Hom.

Các loài chỉ thị cho môi trường nước acid Lecane luna, L. curvicornis, L.bulla phân bố tập trung ở khu vực cầu Bà Hom, kênh Tham Lương, cầu Trường Đai và rạch Bến Cát. Các loài trùng bánh xe phân bố ở rạch Nứớc Lên đến Kênh Tham Lương (Bình Chánh) và khu vực cầu Trường Đai, cầu Bến Phấn, cửa rạch Bến Cát là những biểu hiện cho môi trường bị nhiễm bẩn.

Cấu trúc số lượng của động vật phiêu sinh dao động từ 3.400-28.900 con/m3. Khi mức độ nhiễm bẩn giảm hàm lượng chất hữu cơ không quá cao đã thúc đẩy sự phát triển của số lượng thủy sinh vật. Tuy nhiên, cũng nhận thấy rằng do điều kiện đặc trưng của kênh rạch vùng dự án bị nhiễm bẩn nhưng có lịch sử gốc nhiễm mặn trước khi xây dựng các hồ chứa nước đầu nguồn: Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ nên số lượng động vật phiêu sinh không lớn Động vật đáy: Nhìn chung hệ động vật đáy khá nghèo nàn, chỉ tồn tại loài trùng chỉ Limnodrilus hoffmeisteri, số lượng cao (7,700 con/m3).

Các loài cá: Theo khảo sát thực tế, trên kênh rạch không có nhiều loại cá, chỉ có một số loại như rô phi, trê… với số lượng ít.

Hiện nay, tuyến rạch Xuyên Tâm đang trong tình trạng ô nhiễm nặng do các hoạt động dân sinh của con người nên hệ sinh thái là khá nghèo nàn Ở khu vực sông Sài Gòn: theo báo cáo Đánh giá đa dang sinh học và diễn biến tài nguyên thủy sinh vật ở lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai – Hội thảo quốc gia về sinh thái và tài nguyên sinh Vật (Đỗ Bích Lộc, Ngô Xuân Quảng, Trần Thị Sao Mai), thực vật nổi: Có khoảng 962 loài, trong đó số loài lợ mặn cao hơn cả.

Số lượng dao động từ 67000-350.000.000 tb/m3. Động vật nổi: có khoảng 218 loài, trong đó vùng nước ngọt chiếm đa số. Số lượng dao động từ 17-432.500 cá thể/m3. Động vật đáy: Có khoảng 222 loài, số lượng dao động từ 0-25.220 các thể/m2.

Đánh giá sơ bộ mức độ suy giảm đa dạng sinh học khi thực hiện dự án:

Từ hiện trạng đa dạng sinh học tại khu vực dự án cho thấy:Về cơ bản, hệ sinh thái dọc tuyến này cũng khá nghèo nàn, không có loài đặc hữu, do đó mức độ suy giảm đa dạng sinh học không đáng kể. Ngoài ra khi thực hiện nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm, thu gom nước thải dọc tuyến, sẽ cải thiện chất lượng nước của rạch cũng như chất lượng nước của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sông Vàm Thuật, sông Sài Gòn, tạo điều kiện để thủy sinh vật phát triển.

Tác động do bụi và khí thải

Nguồn phát sinh:

– Bụi và khí thải phát sinh từ hoạt động phát quang, phá dỡ mặt bằng dự án;

– Bụi phát sinh từ quá trình đào, đắp nền;

– Bụi phát sinh từ quá trình tập kết nguyên, vật liệu tại công trường;

– Khí thải, muội khói phát sinh từ quá trình đốt cháy nhiên liệu của phương tiện giao thông và máy móc thi công (máy đào, máy xúc…); Thành phần gồm: Bụi, khí SO2, NOx, CO,…

Tác động do nước thải

Trong giai đoạn thi công xây dựng, nước thải phát sinh từ khu vực công trường xây dựng bao gồm:

Nước thải sinh hoạt: của các cán bộ chỉ huy, công nhân phát sinh tại khu vực Ban chỉ huy công trường và lán trại thi công.

Thành phần gồm: Các hợp chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, các loại vi sinh vật.

Nước thải xây dựng: Phát sinh từ các hoạt động vệ sinh máy móc, nguyên vật liệu…. Thành phần chủ yếu chứa các chất rắn lơ lửng.

– Nước mưa chảy tràn chảy: qua toàn bộ diện tích bề mặt công trường và khu vực thi công các hạng mục công trình cuốn theo bụi, đất, đá, xi măng, xà bần, dầu, nhớt,…bị rơi vãi và rò rỉ trên mặt đất.

Nước thải sinh hoạt

Nguồn tác động:

Nước thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các hoạt động như nấu ăn, tắm giặt và vệ sinh của công nhân tại các lán trại và nơi ở.

Quy mô tác động: Theo TCXDVN 33-2006 của Bộ Xây dựng về Cấp nước – Mạng lưới đường ống và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế, lượng nước cấp cho công nhân thi công là 80 lít/người/ngđ. Định mức nước thải phát sinh bằng 100% lượng nước cấp

Nước thải sinh hoạt của công nhân tại khu vực thi công là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng nước khu vực xung quanh nếu không được thu gom và xử lý. Nước thải sinh hoạt chứa nhiều chất cặn bã, chất hữu cơ dễ phân huỷ, chất dinh dưỡng và các vi khuẩn gây bệnh nên có thể gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất nếu không được xử lý kịp thời

Nước thải thi công

Nguồn tác động: Nước thải xây dựng phát sinh chủ yếu từ hoạt động rửa vật liệu, xe cộ và thiết bị xây dựng. Như đã khẳng định trong hồ sơ kỹ thuật, trên công trường không có trạm trộn bê tông, bê tông tươi sẽ được vận chuyển đến từ các trạm bê tông tươi được cấp phép, do đó nước thải xây dựng sẽ chỉ từ rửa vật liệu và thiết bị thi công.

Quy mô tác động Lưu lượng nước thải từ rửa thiết bị, rửa xe phụ thuộc vào số lượng thiết bị, xe cộ được sử dụng. Nước thải xây dựng thường chứa hàm lượng pH cao, TSS, không có chất độc hại.

Nước thải xây dựng và mang đi xử lý nước thải đúng quy định pháp luật

Trong quá trình rửa xe, sẽ sử dụng một lượng nước tương đương 300 lít/xe (Theo TCVN 4513/1988: Cấp nước bên trong – Tiêu chuẩn cấp nước PCCC). Lượng nước thải phát sinh từ quá trình rửa xe ước tính bằng 80% tổng lượng nước cấp

Tác động do nước mưa chảy tràn

Nguồn tác động: những ngày mưa, nước mưa chảy tràn qua khu vực công trường thi công sẽ cuốn theo đất cát xuống nguồn nước làm tăng độ đục của nước, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước chung trên khu vực xung quanh dự án, có thể xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ khi nước không kịp tiêu thoát.

Nước mưa chảy tràn trên bề mặt qua công trường (kho bãi thi công, mặt bằng thi công, khu vực bãi trữ), và các tuyến đường thi công sẽ mang theo các chất bẩn trên bề mặt, bùn đất, dầu mỡ (khoáng), chất thải rơi vãi, rò rỉ trên mặt đất trong phạm vi thi công theo dòng nước mưa chảy tràn và chảy vào thuỷ vực lân cận. Đây là nguồn gây tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường nước mặt và hệ sinh thái thủy sinh khu vực.

Thông thường, lượng chất bẩn trên bề mặt lưu vực được tích tụ do thời tiết khô ráo sẽ đạt đến cân bằng sau 10 ngày. Lượng mưa này làm sạch rất nhanh chất bẩn trên bề mặt lưu vực. Sau 20 -> 30 phút, nồng độ chất bẩn trong nước chảy tràn khi đó không đáng kể.

Tác động do chất thải nguy hại

Nguồn tác động:

Đối với dự án giao thông, các chất thải nguy hại bao gồm dầu thải và chất thải dính dầu, ắc quy, pin.

Các nguồn phát sinh chủ yếu như sau:

– Rò rỉ dầu thải từ việc thay dầu cho các máy móc, thiết bị, phương tiện thi công;

– Rò rỉ dầu mỡ trong quá trình bảo dưỡng thiết bị, phương tiện, rửa làm sạch bánh xe khi ra khỏi công trường;

– Rò rỉ dầu mỡ do việc bảo quản và tích trữ dầu tại công trường;

– Giẻ lau dính dầu từ quá trình bảo dưỡng máy xây dựng;

– Ắc quy, bóng đèn, pin từ văn phòng tại công trường.

Quy mô tác động:

Ước tính chất thải nguy hại phát sinh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm phát sinh các chất thải nguy hại trên các công trình thi công tương tự đã thực hiện.

Trong trường hợp bảo dưỡng thiết bị, máy móc, phương tiện thi công tại công trường: theo kinh nghiệm, khoảng 3 tháng sẽ bảo dưỡng thiết bị 1 lần, mỗi lần phát sinh khoảng 7 lit dầu thải/thiết bị/3 tháng (khoảng 2,33 lit/tháng/thiết bị); khối lượng giẻ lau dính dầu, ắc quy, pin… khoảng 1,6kg/thiết bị (khoảng 0,53kg/tháng/thiết bị)

Tải đánh giá tác động môi trường Rạch Xuyên Tâm

Mật khẩu giải nén: greenstarvn.com

Môi Trường Green Star

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời