Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Nước trao đổi nhiệt là nước phục vụ mục đích giải nhiệt (nước làm mát) hoặc gia nhiệt cho thiết bị, máy móc trong quá trình sản xuất, không tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng trong các công đoạn sản xuất.”.
b) Bổ sung các khoản 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31 và 32 vào sau khoản 22 như sau:
“23 . Nước thải phải xử lý là nước thải nếu không xử lý thì không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, quy định để tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu đô thị, khu dân cư tập trung.
24. Nguồn phát sinh nước thải là hệ thống, công trình, máy móc, thiết bị, công đoạn hoặc hoạt động có phát sinh nước thải. Nguồn phát sinh nước thải có thể bao gồm nhiều hệ thống, công trình, máy móc, thiết bị, công đoạn hoặc hoạt động có phát sinh nước thải cùng tính chất và cùng khu vực.
25. Dòng nước thải là nước thải sau xử lý hoặc phải được kiểm soát trước khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải tại một vị trí xả thải xác định.
26. Nguồn tiếp nhận nước thải (còn gọi là nguồn nước tiếp nhận) là các dạng tích tụ nước tự nhiên, nhân tạo có mục đích sử dụng xác định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo, bao gồm: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra.
Trường hợp nguồn nước tại vị trí xả nước thải chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mục đích sử dụng thì nguồn tiếp nhận nước thải là nguồn nước liên thông gần nhất đã được xác định mục đích sử dụng.
27. Bụi, khí thải phải xử lý là bụi, khí thải nếu không xử lý thì không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
28. Nguồn phát sinh bụi, khí thải (sau đây gọi chung là nguồn phát sinh khí thải) là hệ thống, công trình, máy móc, thiết bị, công đoạn hoặc hoạt động có phát sinh bụi, khí thải và có vị trí xác định. Trường hợp nhiều hệ thống, công trình, máy móc, thiết bị tại cùng một khu vực có phát sinh bụi, khí thải có cùng tính chất và được thu gom, xử lý chung tại một hệ thống xử lý khí thải thì được coi là một nguồn khí thải.
29. Dòng khí thải là khí thải sau khi xử lý được xả vào môi trường không khí thông qua ống khói, ống thải.
30. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là hoạt động của tổ chức, cá nhân thực hiện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không bao gồm hoạt động dịch vụ hành chính công khi xem xét cấp giấy phép môi trường.
31. Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước là dự án được giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc dự án được triển khai trên đất, đất có mặt nước theo quy định của pháp luật có liên quan.
32. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định là:
a) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, trừ trường hợp được quy định tại điểm b khoản này;
b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường.”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 Điều 4 như sau:
“c) Các biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách để thực hiện lộ trình quy định tại khoản 5 Điều này;”.
3. Sửa đổi đoạn dẫn khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm:”.
4. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 6 Điều 21 như sau:
“a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn tỉnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; tổ chức xây dựng và phê duyệt quy chế,
kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên đối với di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với các di sản thiên nhiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường đã có quy chế, kế hoạch, phương án quản lý trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy chế, kế hoạch, phương án quản lý đó có trách nhiệm chỉ đạo việc điều chỉnh để lồng ghép,
cập nhật các nội dung theo quy định tại Nghị định này vào quy chế, kế hoạch, phương án theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, di sản văn hóa trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Việc điều chỉnh để lồng ghép, cập nhật các nội dung quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên vào quy chế, kế hoạch, phương án quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và di sản văn hóa;
b) Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên có trách nhiệm tổ chức, huy động lực lượng và nguồn lực, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật, các quy chế, kế hoạch đã được phê duyệt; được bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; tổ chức giám sát, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại di sản thiên nhiên; tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ; quản lý,
sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật; tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ và quản lý di sản thiên nhiên; tham gia quản lý, liên kết và giám sát các hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong khu vực di sản thiên nhiên; thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao.
Đối với khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu nằm trên địa bàn rộng, có các khu vực sản xuất, khu dân cư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban quản lý liên ngành và bảo đảm nguồn lực hoạt động để quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;”.
5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 23 như sau:
“a) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải; quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với mục đích quản lý và cải thiện chất lượng nước của nguồn nước tiếp nhận, trừ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được quản lý theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 như sau:
“4. Việc xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường được quy định như sau:
a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này có địa điểm thực hiện nằm trên: Phường của đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III và loại IV theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị, trừ dự án có đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định mà không phát sinh bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý;
b) Dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường hoặc trường hợp dự án có đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định;
c) Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp hoặc thủy sản, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật về thuỷ sản, vùng đất ngập nước quan trọng, khu dự trữ sinh quyển,
di sản thiên nhiên thế giới và thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d cột (3) số thứ tự 7a Phụ lục III Nghị định này (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ có một hoặc các mục tiêu: Phục vụ quản lý bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng cháy, chữa cháy rừng; lâm sinh);
d) Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu di sản thế giới, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau:
Dự án chỉ có một hoặc các mục tiêu: Bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án nhằm phục vụ việc quản lý, vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án bảo trì, duy tu bảo đảm an toàn giao thông);
đ) Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với diện tích đất chuyển đổi quy định tại cột (3) số thứ tự 7c Phụ lục III Nghị định này; dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất,
đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên và thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d cột (3) số thứ tự 7b Phụ lục III Nghị định này (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ có một hoặc các mục tiêu: Phục vụ quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng cháy, chữa cháy rừng; lâm sinh);
e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư và pháp luật về xây dựng.”.
Bài Viết Liên Quan: