Xử lý nước thải công ty 32

xử lý nước thải công ty 32

Xử lý nước thải công ty 32

Công trình thu gom nước thải

Nước thải sinh hoạt của công nhân:

Nước thải từ nhà vệ sinh của công nhân viên trong nhà máy (khu vực nhà xưởng và văn phòng) được thu gom theo đường ống PVC D90-114mm dẫn xuống bể tự hoại 03 ngăn (được xây dựng âm phía dưới các khu vực nhà xưởng).

Nước thải sinh hoạt sau khi được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại được thu gom và thoát theo đường ống nhựa PVC D90-114mm, chiều dài khoảng 1.230m chảy vào hệ thống xử lý nước thải cục bộ của Cơ sở với công suất xử lý 100 m3/ngày.đêm. Tại đây, nước thải sinh hoạt của công nhân làm việc được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, K = 1,0

Nước thải phát sinh từ hoạt động nấu nướng của nhà ăn:

Nước thải từ nấu nướng (bao gồm: nước thải quá trình rửa nguyên liệu; nước thải từ vệ dụng cụ nấu nướng), được thu gom theo hệ thống ống nhựa D90mm, có chiều dài 28,4m dẫn xuống bể lọc nhà bếp.

Nước thải từ hoạt động nấu nướng sau khi được tách mỡ sơ bộ bằng bể tách mỡ được thu gom và thoát theo đường ống nhựa PVC D114mm, chiều dài khoảng 320m chảy vào HTXLNT cục bộ của Cơ sở với công suất xử lý 100 m3/ngày.đêm. Tại đây, nước thải sinh hoạt của công nhân làm việc được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, K = 1,0

Công trình thoát nước thải và điểm xả nước thải

Nước thải sau xử lý tại hệ thống xử lý nước thải cục bộ công suất 100 m3/ngày.đêm của Cơ sở đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, K = 1,0 sẽ được bơm theo đường ống nhựa PVC D90mm, chiều dài 153,3m ra hố ga giám sát nước thải, rồi tiếp tục tự chảy theo đường cống PVC D168mm, chiều dài khoảng 12m vào hố ga đấu nối nước thải với hệ thống cống thoát nước thải của thành phố trên đường Phan Văn Trị (đoạn thuộc phường 10, quận Gò Vấp), tọa độ X = 1.198.040; Y = 600.818 (theo hệ toạ độ VN 2000, kinh tuyến trục 105o45’, múi chiếu 3o).

Xử lý nước thải

Bể tự hoại xử lý nước thải sinh hoạt

Hiện tại, nước thải sinh hoạt từ các hoạt động sinh hoạt của nhân viên, lưu lượng tối đa 91,28 m3/ngày. Trong thành phần của nước thải này có chứa các chất cặn bã, các chất lơ lửng (TSS), các hợp chất hữu cơ (BOD/COD), chất dinh dưỡng (N,P) và vi khuẩn gây bệnh.

Công ty Cổ phần 32 đã xây dựng 15 bể tự hoại 3 ngăn, thể tích mỗi bể dao động từ 7,5 – 15 m3 (L (m) x B (m) x H (m) = (1,5-2) x (2-3) x 2,5) đặt âm dưới nhà vệ sinh, các nhà xưởng. Tổng thể tích 15 bể tự hoại là 167,18m3. Thông tin kỹ thuật của bể tự hoại 3 ngăn: + Vật liệu: BTCT, xây gạch, chống thấm, nắp bê tông cốt thép + Vị trí: Được xây dựng âm dưới đất tại các khu vực nhà vệ sinh.

Tổng hợp thông số kỹ thuật các bể tự hoại tại Cơ sở

STT Khu vực Số lượng(cái) Kích thước: Dài x Rộngx Cao (m) Thể tích(m3)
1 Nhà xưởng 32-1 01 3 x 2 x 2,5 15
2 Nhà xưởng 32-3 02 3 x 2 x 2,5 30
3 Nhà xưởng 32-5 02 3 x 2 x 2,5 30
4 Nhà xưởng 32-7 02 3 x 2 x 2,5 30
5 Nhà điều hành 02 2,5 x 2 x 2,5 12,5
6 Nhà ăn 01 3 x 2 x 2,5 15
7 Phân xưởng
nhựa
02 1,7 x 1,3 x 2,5 11,05
8 Cán luyện 01 2 x 1,5 x 2,5 7,5
9 Nhà ép đế 01 2,5 x 1,5 x 2,5 9,38
10 Phân xưởng cơ
khí
01 1,8 x 1,5 x 2,5 6,75
Tổng cộng 15 167,18

Như vậy, với tổng thể tích của bể tự hoại của Cơ sở là 167,18 m3 (> 152,67 m3) đủ để xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh. (Vị trí bể tự hoại thể hiện trên bản vẽ Mặt bằng tổng thể thoát nước thải của Cơ sở được đính kèm tại Phụ lục) Mô hình bể tự hoại 3 ngăn được thể hiện trong hình dưới

bể tự hoại 3 ngăn

Bể tự hoại 3 ngăn có dạng hình chữ nhật, được xây bằng bê tông cốt thép, đậy bằng tấm đan. Nguyên tắc hoạt động của bể là lắng cặn và phân hủy kỵ khí cặn lắng, cặn lắng được giữ lại trong bể từ 6 – 8 tháng, dưới ảnh hưởng của các vi sinh vật, các chất hữu cơ bị phân giải, một phần tạo thành các chất khí và một phần tạo thành các chất vô cơ hòa tan. Hiệu quả xử lý của bể này theo chất lơ lửng đạt 65 – 70% và BOD5 là 60 – 65%.

Ngăn đầu tiên của bể tự hoại có chức năng tách cặn ra khỏi nước thải. Cặn lắng ở dưới đáy bể bị phân hủy yếm khí khi đầy bể, khoảng 6 tháng sử dụng, cặn này được hút ra theo hợp đồng với đơn vị có chức năng để đưa đi xử lý. Nước thải và cặn lơ lửng theo dòng chảy sang ngăn thứ hai.

Ở ngăn này, cặn tiếp tục lắng xuống đáy, nước được vi sinh yếm khí phân hủy làm sạch các chất hữu cơ trong nước. Sau đó, nước chảy sang ngăn thứ ba rồi dẫn qua 2 ngăn lắng và lọc trước khi chảy vào hệ thống xử lý nước thải của Dự án với công suất xử lý 100 m3/ngày.đêm.

Tại đây, nước thải sinh hoạt cùng với nước thải từ hoạt động nấu nướng của nhà bếp được xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, K = 1,0 trước khi được bơm ra hố ga giám sát nước thải, rồi tiếp tục tự chảy vào hố ga đấu nối nước thải với hệ thống cống thoát nước thải của thành phố trên đường Phan Văn Trị (đoạn thuộc phường 10, quận Gò Vấp).

Cơ sở đã thực hiện đấu nối thoát nước thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố trên đường Phan Văn Trị theo văn bản số 2910/TTHT-HTTN ngày 29/11/2019 về việc thỏa thuận đấu nối cống nhánh thoát nước tại địa chỉ nhà số 170 đường Quang Trung, Phường 10, quận Gò Vấp vào hệ thống thoát nước chung của thành phố được đính kèm tại Phụ lục.

 Hệ thống xử lý nước thải cục bộ của Cơ sở

Hiện tại, toàn bộ nước thải phát sinh tại Cơ sở bao gồm: nước thải sinh hoạt sau khi xử lý bằng bể tự hoại; nước thải từ hoạt động nấu nướng của nhà bếp (bao gồm: nước thải quá trình rửa nguyên liệu; nước thải từ vệ dụng cụ nấu nướng), với tổng lưu lượng thải trung bình ngày khoảng 92,48 m3/ngảy. Với tính chất nước thải sinh hoạt có nhiều thành phần ô nhiễm hữu cơ, chất tẩy rửa,…, trong khi nước thải từ từ hoạt động nấu nướng của nhà ăn chủ yếu là hàm lượng dầu, mỡ cao.

Vì vậy, công nghệ lựa chọn để xử lý lượng nước thải trên là phương pháp xử lý sinh học với công suất thiết kế là 100 m3/ngày.đêm nhằm xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, Cột B (K=1) trước khi được bơm ra hố ga giám sát nước thải, rồi tiếp tục tự chảy vào hố ga đấu nối nước thải với hệ thống cống thoát nước thải của thành phố trên đường Phan Văn Trị (đoạn thuộc phường 10, quận Gò Vấp).

Hệ thống xử lý nước thải  công suất 100 m3/ngày đêm được xây dựng theo đúng chấp thuận của Sở Tài nguyên và môi trường về việc Công ty Cổ phần 32 điều chỉnh nội dung Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết theo Công văn số 10753/STNMT-CCBVMT ngày 02/12/2020. Công ty bố trí  Hệ thống xử lý nước thải  tại cuối nhà máy, gần khu chứa rác với diện tích 60 m2

xử lý nước thải công ty 32
xử lý nước thải công ty 32

Thuyết minh sơ đồ công nghệ của HTXLNT:

Bể điều hòa: Nước thải phát sinh từ hoạt động vệ sinh của công nhân như ăn uống, vệ sinh,… được tập trung về hố thu. Hố thu có nhiệm vụ thu gom nước thải trước khi dẫn vào HT XLNT. Tại hố thu được lắp đặt các song chắn rác để loại bỏ các loại rác nhằm tránh gây nghẹt bơm của các công trình xử lý phía sau.

Bể điều hòa có nhiệm vụ điều hòa lưu lượng và ổn định thành phần nước thải trước khi dẫn vào các bể phía sau. Trong giờ cao điểm, lượng nước dư sẽ được giữ lại tại bể điều hòa. Trong bể điều hòa có lắp đặt hệ thống phân phối khí cố định dưới đáy bể nhằm tránh quá trình kỵ khí xảy ra gây mùi hôi và xử lý khoảng 6 – 10% các chất ô nhiễm hữu cơ.

Bể Anoxic:

Trong nước thải sinh hoạt chứa nhiều N, P vì vậy bể Anoxic là cần thiết để xử lý các thành phần này. Tại bể Anoxic diễn ra quá trình khử NO3- thành N2, khử Photpho. Với việc lựa chọn bể bùn hoạt tính xử lý hết hợp đan xen giữa xử lý hiếu khí và thiếu khí sẽ tận dụng được lượng cacbon khi khử BOD, do đó không phải cấp thêm lượng cacbon từ bên ngoài vào.

Quá trình khử Nitrat được diễn ra theo phương trình sau: Đồng hóa: NO3-  NH3, tổng hợp tế bào, khi N- NO3- là dạng Nito duy nhất tồn tại trong môi trường Dị hóa: là quá trình khử Nitrat trong nước thải. Nước thải sau khi qua xử lý hiếu khí được tuần hoàn lại bể Anoxic để khử Nito.

Bể Aerotank: Bể sinh học hiếu khí Aerotank hoạt động liên tục theo cơ chế tăng trưởng lơ lửng và khuấy trộn hoàn toàn, quá trình phân hủy xảy ra khi nước thải tiếp xúc với bùn trong điều kiện sục khí liên tục, các vi sinh vật sẽ phân hủy các chất ô nhiễm thành các chất vô cơ như: CO2, H2O,… và tạo thành các sinh khối mới, góp phần làm giảm COD, BOD5 của nước thải.

Tại bể Aerotank được lắp đặt hệ thống phân phối khí cố định dưới đáy bể, hệ thống này thông qua máy thổi khí có tác dụng cung cấp oxy cho quá trình phát triển của vi sinh vật. Ngoài ra, có tác dụng đảo trộn nước thải với vi sinh vật trong bể và giúp oxy hòa tan trong nước thải dễ dàng hơn. Nồng độ các chất ô nhiễm sau bể Aerotank đã giảm đáng kể 60 – 70%. Sau đó, nước thải có lẫn bùn sinh học được dẫn tự chảy sang bể lắng, một phần nước thải được bơm tuần hoàn về bể Anoxic để thực hiện quá trình khử Nitrat.

Bể lắng: Nước thải sau khi qua bể Aerotank có chứa 1 lượng bùn hoạt tính và chất rắn lơ lửng, để loại bỏ lượng bùn và TSS này, bể lắng có vai trò quan trọng. Phần bùn thu ở đáy bể, một phần được tuần hoàn về bể Aerotank và bể Anoxic, một phần còn lại được thu gom và xử lý theo quy định. Phần nước trong chảy qua máng răng cưa và chảy qua bể khử trùng để loại bỏ các vi khuẩn.

Bể khử trùng: Từ bể lắng, dòng nước được tiếp tục chuyển sang bể khử trùng, tại đây hóa chất khử trùng Chlorine được bơm vào nhờ bơm định lượng. Các vi sinh vật trong nước dưới tác dụng của hóa chất khử trùng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tiếp tục nước sẽ được bơm vào cột lọc than hoạt tính nhằm loại bỏ phần kết tủa còn lại và các chất lơ lửng.

Cột lọc than hoạt tính: Nước thải sau bể khử trùng được bơm qua bể lọc than hoạt tính, nước thải sẽ được bơm áp lực đẩy vào bể thông qua phễu phân phối bố trí ở đỉnh bể tiếp xúc với lớp cát thạch anh, lớp sỏi đỡ, lớp than hoạt tính.

Bể có tác dụng loại bỏ các cặn lơ lửng nhỏ có trong nước thải mà quá trình lắng không giữ lại được, ngoài ra, còn làm giảm mùi phát sinh trong quá trình xử lý nước thải. Sau một thời gian hoạt động, các khe lọc của vật liệu lọc sẽ bị các chất rắn lơ lửng chiếm chỗ, gây tắc nghẽn lớp vật liệu lọc, nên định kỳ cần tiến hành súc rửa theo phương thức rửa ngược, lượng nước rửa này sẽ được dẫn quay về bể điều hòa để thu gom và xử lý.

Nước sau xử lý của hệ thống đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp thoát ra cống thoát nước chung của Thành phố trên đường Phan Văn Trị theo văn bản thỏa thuận đấu nối cống nhánh thoát nước số 2910/TTHT-HTTN ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật – Sở Xây dựng TP.HCM.

Nhằm tái sử dụng nước thải phục vụ cho hoạt động tưới cây, tưới đường để, Công ty Cổ phần 32 tiến hành lắp đặt thêm cột lọc tinh và hệ thống lọc RO.

Cột lọc tinh 1, 2:

Nước thải từ cột lọc than hoạt tính được đưa đến cột lọc tinh 1,2 nhằm loại bỏ các chất lơ lửng còn sót lại mà cột lọc than hoạt tính chưa xử lý được.

Lọc tinh với các lõi lọc có kích thước 5 µm – 1 µm, các lõi lọc được ép thành khối và lắp ghép theo thiết kế. Khả năng lọc được phần lớn các vi khuẩn, kim loại nặng,… cũng như các chất ô nhiễm khác.

Bồn trung gian: Nước thải sau lọc tinh chảy về bồn trung gian nhằm lưu trữ nước trước khu được bơm vào hệ thống lọc RO.

Hệ thống lọc RO: Màng lọc RO sử dụng màng siêu lọc với kích thước khe lọc 0,0001 µm (lọc đến kích thước nguyên tử), thường được ứng dụng trong lọc nước tinh khiết, nước chạy thận,… Quá trình lọc RO là quá trình lọc ngược, nước đi từ nơi có nồng độ cao nhờ áp lực nén cực lớn đẩy qua màng đến nơi có nồng độ thấp, tạo thành nước sạch. Với tốc độ và áp lực cực lớn, dòng nước được chảy liên tục trên bề mặt màng RO.

Một phần trong số những phân tử nước chảy qua khỏi lỗ lọc, các tạp chất bị dòng nước cuốn trôi và thải bỏ ra ngoài. Với phương thức hoạt động này, màng RO được rửa sạch liên tục và có tuổi thọ từ 2 – 5 năm.

Tiêu chuẩn áp dụng đối với nước thải sau xử lý

Toàn bộ nước thải được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của Cơ sở, công suất 100 m3/ngày.đêm đạt QCVN 40:2011/BTNMT, Cột B (K=1) trước khi được bơm ra hố ga giám sát nước thải, rồi tiếp tục tự chảy vào hố ga đấu nối nước thải với hệ thống cống thoát nước thải của thành phố trên đường Phan Văn Trị (đoạn thuộc phường 10, quận Gò Vấp).

Hiệu quả xử lý của hệ thống xử lý nước thải tại Cơ sở

Hiện tại, Cơ sở sản xuất phát sinh lượng nước thải khoảng 92,48 m3/ngày (Theo bảng 1.8), thì hệ thống xử lý nước thải tại Cơ sở vẫn đảm bảo hiệu quả xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT, Cột B (K=1). Theo ghi nhận của chủ cơ sở, trong giai đoạn 3 năm gần đây từ năm 2020-2022, qua các đợt kiểm tra chất lượng nước thải của Cơ quan chức năng thì nước thải sau xử lý của Cơ sở luôn đạt QCVN 40:2011/BTNMT, Cột B (K=1). Điều này chứng tỏ, hệ thống xử lý nước thải hiện tại của Cơ sở vận hành ổn định.

Môi Trường Green Star

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận