Các phương pháp xử lý chất thải rắn

Các phương pháp xử lý chất thải rắn

Các phương pháp xử lý chất thải rắn

Xử lý chất thải rắn đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách của xã hội hiện đại. Khi mà dân số toàn cầu tiếp tục gia tăng và nhu cầu tiêu thụ tài nguyên tăng cao, đồng nghĩa với việc sản lượng chất thải rắn cũng tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Vì vậy, việc hiểu về xử lý chất thải rắn một cách bài bản và sẵn sàng áp dụng các giải pháp hiệu quả là rất quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về chất thải rắn, quy trình xử lý, và các công nghệ xử lý hiện đại.

Phân Loại Chất Thải Rắn

Chất thải rắn có thể được phân loại thành một số nhóm chính:

  1. Chất thải sinh hoạt: bao gồm rác thải từ các hộ gia đình như thực phẩm thừa, giấy, nhựa, và thức ăn thừa.
  2. Chất thải công nghiệp: phát sinh từ quá trình sản xuất, bao gồm phế liệu kim loại, hóa chất, và các sản phẩm phụ.
  3. Chất thải y tế: bao gồm các vật liệu nguy hiểm như kim tiêm, bông gạc, và thuốc cũ.
  4. Chất thải nguy hại: bao gồm các chất thải có thể gây tổn hại cho sức khỏe con người hoặc môi trường như thải độc, dầu, và hóa chất độc hại.

Mục đích của việc xử lý chất thải rắn

Việc thu gom, xử lý rác thải giúp bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe con người.  Các phương pháp xử lý rác thải với mục đích:

  • Giảm kích thước cũng như trọng lượng để thuận tiện cho việc vận chuyển, giảm diện tích chôn cất hay lưu trữ chờ công nghệ phù hợp.
  • Giảm tính độc hại trong rác thải để dễ kiểm soát hơn.
  • Chuyển chất thải thành các sản phẩm khác có thể sử dụng có ích.
  • Hạn chế phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp ảnh hưởng đến môi trường.

Việc quản lý chất thải rắn rất quan trọng cần thực hiện theo các bước để vừa xử lý rác hiệu quả, vừa hạn chế phát sinh chất thải, đồng thời tối ưu tái sử dụng và tái chế chất thải. Trong công tác quản lý chất thải rắn, thứ tự ưu tiên được sắp xếp như sau: Giảm thiểu phát thải → Tái sử dụng  →  Tái chế  → Xử lý  → Tiêu hủy.

Đối với tình hình hiện tại của nước ta hiện nay, các phương pháp được sử dụng phổ biến gồm có chôn lấp và đốt tiêu hủy. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện sát sao nên tái sử dụng cũng như tái chế rác thải chưa được chú trọng, điều đó làm thất thoát một phần kinh tế.

Các phương pháp xử lý chất thải rắn

Tùy theo từng công nghệ xử lý, cơ sở vận hành và chi phí sử dụng sẽ khác nhau.

Quy trình xử lý chất thải rắn
Quy trình xử lý chất thải rắn

Sau đây là các phương pháp xử lý chất thải phổ biến:

Phương pháp chôn lấp rác thải hợp vệ sinh

Trong các phương pháp xử lý chất thải rắn, có lẽ chôn lấp là cách làm đơn giản với chi phí ít nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Rác thải rắn sau khi được thu gom sẽ được chuyển đến các bãi chôn lấp tập trung. Tại đây chúng sẽ được xử lý sơ bộ, ép lại để giảm thể tích rồi chúng được chôn nén và được phủ đất lên trên. Chôn lấp hợp vệ sinh sẽ tận dụng quá trình phân hủy sinh học của các chất rắn tạo ra các sản phẩm cuối cùng là các hợp chất hữu cơ như amon, nitơ, axit hữu cơ cùng một số chất khí như metan, cacbonic.

Phương pháp chôn lấp rác
Phương pháp chôn lấp rác

Phương pháp này được áp dụng với các loại chất thải rắn sau:

  • Rác thải đô thị không được sử dụng để tái chế, tro xỉ từ các lò đốt, chất thải công nghiệp.
  • Chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ ở các bãi chôn lấp có thiết kế đặc biệt cho rác thải nguy hại.

Tuy nhiên phương pháp này tồn tại nhiều nhược điểm như gây lãng phí nguồn đất, ô nhiễm đất, bốc mùi hôi thối, rò rỉ nước thải từ bãi rác. Chính vì vậy, phương pháp này không áp dụng tại các quốc gia có quỹ đất nhỏ hẹp. Các bãi chôn lấp tập trung cũng đặt tại các địa điểm xa khu dân cư sinh sống để hạn chế ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt.

Việc xử lý rác thải rắn bằng phương pháp chôn lấp tuy dễ thực hiện nhưng việc vận hành vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cần kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu về mùi, không khí cũng như nước rò rỉ bãi rác. Đã có nhiều khu xử lý lắp đặt hệ thống thu khí từ hoạt động phân hủy rác nhưng quy mô chưa rộng và cần đòi hỏi sự quan tâm từ các cấp và đầu tư lớn về tài chính.

Phương pháp đốt chất thải rắn

Thiêu đốt chất thải được coi là phương pháp phổ biến hiện nay trên thế giới để xử lý chất thải rắn nói chung. Phương pháp này sử dụng nhiệt để thực hiện quá trình oxy hóa với sự có mặt của oxy không khí. Rác thải được đưa vào các lò đốt rác chuyên dụng với nhiệt độ cao từ 850 đến 1100 độ C.

Nhiệt lượng được cung cấp từ quá trình đốt cháy các nhiên liệu như gas, dầu diezel hay tù năng lượng điện. Sản phẩm thu được sau quá trình thiêu đốt sẽ là hỗn hợp các chất khi và các thành phần không cháy được tạo thành tro xỉ. Các chất khí được xử lý trước khi thoát ra môi trường và tro xỉ được chôn lấp.

Phương pháp này được áp dụng cho tất cả các loại chất thải rắn có thể cháy được, đặc biệt đối với các chất thải rắn độc hại trong ngành công nghiệp và chất thải y tế.  Đây là giai đoạn xử lý cuối cùng áp dụng cho một số loại chất thải nhất định không thể xử lý bằng các phương pháp khác…

phương pháp đốt rác
phương pháp đốt rác

Hiện nay ở nước ta với các rác thải rắn từ bệnh viện sẽ được xử lý tại các lò đốt công suất nhỏ được trang bị tại bệnh viện. Các bệnh viện lớn tuyến trung ương hay tuyến tỉnh đều thực hiện tốt nhưng ở các cấp dưới (huyện, xã) thì rất khó để có thể trang bị lò đốt nên việc xử lý chất thải y tế gặp nhiều khó khăn.

Đối với các chất thải rắn công nghiệp thì sử dụng các lò đốt công suất lớn hơn. Chưa có nhiều nhà máy tự trang bị được hệ thống lò đốt nên đa số các rác thải rắn này sẽ được xử lý qua các công ty, đơn vị chức năng chuyên về xử lý rác thải.

Ưu điểm của phương pháp đốt:

  • Xử lý được hầu như tất cả các chất thải cháy được. Giảm kích thước rác thải đến mức tối thiểu cho khâu xử lý chôn lấp, giúp tiết kiệm quỹ đất.
  • Có thể áp dụng tại nhiều quốc gia.
  • Có thể tận dụng được nguồn năng lượng phát sinh trong quá trình thiêu đốt cho các lò hơi, lò sưởi hoặc các ngành công nghiệp cần nhiệt và phát điện.
  • Là biện pháp tối ưu hiện nay xử lý triệt để các chất thải độc hại từ công nghiệp hay các chất thải y tế lây nhiễm.

Phương pháp ủ sinh học

Phương pháp ủ sinh học là 1 hướng đi mới trong xử lý rác thải hướng đến bảo vệ môi trường. Phương pháp này áp dụng đối với chất hữu cơ không độc hại. Các chất thải sẽ được thu gom và đổ vào bể ủ sinh học. Tại đây sẽ diễn ra quá trình oxy hóa các hợp chất hữu cơ trong môi trường hiếu khí được kiểm soát bằng độ ẩm, nhiệt độ và độ thông khí.

Quá trình tự tạo ra nhiệt riêng nhờ quá trình oxy hoá sinh hoá các chất hữu cơ. Sản phẩm cuối cùng của quá trình phân huỷ là CO2, nước và các hợp chất hữu cơ bền vững như lignin, xenlulo, sợi…

Phương pháp ủ phân sinh học từ rác
Phương pháp ủ phân sinh học từ rác

Phương pháp này thường được áp dụng trong ngành chăn nuôi hay nông nghiệp với nguồn rác thải hữu cơ phong phú từ chất thải vật nuôi, cây cối sau khi thu hoạch… Thực chất phương pháp này được áp dụng từ rất lâu ở nước ta khi ông cha ta ủ phân chuồng bón cho lúa hay cây cối. Phân hữu cơ vi sinh chính là sản phẩm tiêu biểu cho quá trình xử lý chất thải rắn bằng phương pháp ủ sinh học.

Có nhiều ưu điểm cho phương pháp này có thể kể đến như:

  • Có thể áp dụng được ở các quy mô nhỏ từ hộ gia đình, trang trại chăn nuôi, trồng trọt đến các nhà máy xử lý chất thải.
  • Thân thiện với môi trường đất, các vi sinh vật tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.
  • Nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm. Quy trình xử lý đơn giản, giảm thiểu chi phí sản xuất.
  • Sản phẩm phân bón hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng mà phân bón vô cơ không có được.

Đồng thời phương pháp ủ sinh học vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế:

  • Nước ta chưa thực hiện được việc phân loại rác thải tại nguồn nên rác thải hữu cơ vẫn còn lẫn vào nhiều loại rác thải khác khiến cho việc thu gom, phân loại mất nhiều thời gian.
  • Quy mô các nhà máy ủ sinh học thường nhỏ nên công suất xử lý chưa cao.
  • Sản phẩm phân hữu cơ có tác dụng chậm hơn so với các sản phẩm phân vô cơ nên gây tâm lý lo ngại khi sử dụng.
  • Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các mầm dịch bệnh.

Tuy còn tồn tại nhiều nhược điểm nhưng xu hướng hiện nay mọi người ưu tiên sử dụng các sản phẩm hữu cơ nên phương pháp xử lý ủ sinh học đang ngày càng được trú trọng và đầu tư.

Phương pháp tái chế chất thải rắn

Tái chế rác thải rắn nằm trong chiến dịch 3R (Reduce – Reuse – Recycle) nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Đồng thời việc tái chế rác thải cũng giúp tiết kiệm tài nguyên cho đất nước như cây để làm giấy, khoáng sản quặng để sản xuất kim loại, linh kiện điện tử; dầu mỏ để sản xuất polymer, vải… Bên cạnh đó tiết kiệm chi phí nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Các loại chất thải có thể được tái chế như quần áo cũ, kim loại, nhựa, giấy, bìa, rác thải điện tử. Qua hoạt động tái chế các loại vật liệu trên được chuyển sang các sản phẩm khác và được tái sử dụng. Nó được quay lại một vòng đời mới.  Ví dụ như giấy đã qua sử dụng sau khi thu hồi chuyển về nhà máy có thể tái chế thành giấy làm bao bì, giấy tissue, giấy in báo. Rác thải điện tử là loại rác đang được tái chế nhiều ở Việt Nam.

Các máy tính, tivi, tủ lạnh, điện thoại sẽ được bóc tách các linh kiện điện tử, vỏ kim loại và đem bán hoặc sửa chữa. Phần còn lại chủ yếu được đốt hoặc nghiền rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm. Tái chế nhựa cũng là một ngành tiềm năng do các đồ dùng bằng nhựa mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ.

Ý Thức Cộng Đồng

Ý thức cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc xử lý chất thải rắn. Việc giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý chất thải rắn một cách hợp lý vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, chưa nhận thức được rằng tái chế và phân loại chất thải có thể mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và môi trường.

Theo một khảo sát của Viện Khoa học Môi trường Việt Nam, chỉ có khoảng 30% người dân có ý thức phân loại chất thải tại nguồn. Điều này dẫn đến việc các chất thải hữu cơ, nhựa, kim loại và giấy lẫn lộn vào nhau, làm khó khăn cho quá trình tái chế. Sự thiếu ý thức này không chỉ gây ra hiệu quả thấp cho các dự án tái chế mà còn làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục tình trạng này, các chương trình giáo dục cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Cần có các chiến dịch truyền thông, tương tác trực tiếp và sự tham gia của các tổ chức xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của xử lý chất thải rắn và những cách mà mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc này.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận